JPMorgan Asset management: Những đối tác thương mại nào sẽ “dễ bị tổn thương” nhất bởi thuế quan trả đũa từ Mỹ?

Thành Duy
Junior editor
Các công ty Châu Âu thường được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các khoản chi phí mua sắm liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong khi VAT do người tiêu dùng chi trả sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Chính quyền của Tổng thống Trump lập luận rằng điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các công ty Châu Âu, đặc biệt là khi mức VAT trung bình ở Châu Âu là 20%, cao hơn đáng kể so với mức thuế bán hàng trung bình 6.6% của Mỹ.

Cho đến hiện tại, tin tức về thuế quan vẫn đang làm mưa làm gió trên thị trường, và các cổ phiếu dễ bị ảnh hưởng bởi thuế quan đã giao dịch kém hiệu quả hơn chỉ số S&P 500 tới 6% kể từ ngày bầu cử. Tuần trước, Tổng thống Trump đã giới thiệu "Fair and Reciprocal Plan” (tạm dịch: Kế hoạch Công bằng và Đối ứng) nhằm giải quyết những hoạt động thương mại mà chính quyền ông cho là không công bằng. Kế hoạch này nhắm tới việc cân bằng mức thuế quan và tăng thuế để đáp trả các hàng rào phi thuế quan, chẳng hạn như VAT, trợ cấp chính phủ, những quy định và hành động pháp lý chống lại các công ty Mỹ. Việc cân bằng mức thuế quan có thể gây ra tác động đáng kể đến một số quốc gia và ngành công nghiệp cụ thể. Hơn nữa, việc nhắm mục tiêu vào các hàng rào phi thuế quan là rất phức tạp và có thể dẫn đến sự gián đoạn lớn về kinh tế. Với khả năng những cuộc đàm phán sẽ diễn ra trước hạn chót ngày 01/04, tương lai của các mức thuế quan này vẫn chưa chắc chắn và có thể tác động không đồng đều đến các quốc gia.
Dưới đây là những thị trường dễ bị tổn thương nhất:
- Liên minh Châu Âu (EU): EU chiếm 17% tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ, là khối thương mại lớn nhất, đạt thặng dư 175 tỷ USD với Mỹ trong năm 2023. Mặc dù Mỹ và EU có mức thuế quan trung bình gần như tương đương (lần lượt là 3.4% và 4.1% đối với hàng nhập khẩu của nhau), nhưng sự chênh lệch lại nằm ở cấp độ sản phẩm. Ví dụ, EU áp dụng thuế quan 10% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, trong khi Mỹ chỉ áp dụng mức tương ứng là 2.5%. Một vấn đề gây tranh cãi khác là VAT của EU, hiện được Nhà Trắng coi là một hình thức thuế quan. Về cơ bản, VAT là thuế tiêu dùng do nhà sản xuất chi trả ở mỗi giai đoạn trong chuỗi cung ứng và do người tiêu dùng chi trả khi mua hàng. Các công ty Châu Âu thường được hoàn lại VAT đã trả cho các giao dịch mua liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong khi VAT do người tiêu dùng chi trả thì được nộp vào ngân sách nhà nước. Chính quyền Trump cho rằng điều này mang lại lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các công ty Châu Âu, đặc biệt khi xét đến mức VAT trung bình ở Châu Âu là 20%, cao hơn đáng kể so với mức thuế bán hàng trung bình 6.6% của Mỹ. Nếu Mỹ trả đũa bằng cách áp dụng thuế quan tương đương với VAT, mức thuế đối ứng có thể vượt quá 20%, tạo ra rủi ro đáng kể cho nền kinh tế vốn đã mong manh của EU.
- Các thị trường mới nổi: Thuế quan là công cụ phổ biến được các thị trường mới nổi sử dụng để bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ. Ấn Độ và Brazil, hai quốc gia được đề cập trong Tờ Thông tin của Nhà Trắng, có mức thuế quan trung bình lần lượt là 11.5% và 7.4% đối với tất cả hàng nhập khẩu. Ấn Độ, quốc gia đã đạt thặng dư thương mại 43 tỷ USD với Mỹ trong năm 2023, đã bắt đầu cắt giảm thuế quan đối với một số sản phẩm nhất định để xoa dịu căng thẳng. Brazil, vốn có mức thâm hụt thương mại nhỏ với Mỹ, có thể ít bị nhắm mục tiêu hơn, mặc dù thuế quan cao áp dụng lên các sản phẩm như ô tô và ethanol của Mỹ vẫn là những điểm gây tranh cãi.
Việc Tổng thống Trump ra lệnh điều tra các hoạt động thương mại của những quốc gia khác cho thấy rõ cách tiếp cận của chính quyền ông đối với thương mại và chính sách đối ngoại. Khả năng áp dụng thuế quan vĩnh viễn đã tăng lên do phạm vi ảnh hưởng tiềm tàng rộng lớn của thuế quan đối ứng, cùng với những khó khăn trong việc tính toán mức thuế quan ở cấp độ sản phẩm và tiến hành đàm phán với từng quốc gia. Mặc dù phá giá tiền tệ có thể giúp bù đắp những ảnh hưởng của thuế quan (như đã thấy trong giai đoạn 2018-2019) và việc Tổng thống Trump coi thị trường chứng khoán là thước đo thành công có thể hạn chế các tác động tiêu cực, nhưng sự bất ổn vẫn có thể làm xê dịch tâm lý kinh doanh. Đối với các nhà đầu tư, việc đa dạng hóa danh mục và theo dõi sát sao các ngành, cũng như công ty dễ bị tổn thương là điều vô cùng quan trọng.
Nhiều quốc gia có thể phải đối mặt với việc tăng thuế quan
Mức thuế trung bình theo chế độ tối huệ quốc, tất cả hàng hóa nhập khẩu, năm 2023. Nguồn: WTO, J.P. Morgan Asset Management. Các quốc gia được hiển thị đại diện cho 12 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ theo khối lượng.
JPMorgan