MUFG Research: Diễn biến các đồng tiền châu Á bên cạnh câu chuyện thị trường lao động Mỹ và báo cáo NFP
Thành Duy
Junior editor
Báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ công bố hôm nay sẽ là yếu tố quyết định then chốt cho mức cắt giảm lãi suất trong cuộc họp FOMC tháng 9, bên cạnh việc định hình lộ trình lãi suất của Fed trong thời gian tới.
Những sự kiện đáng chú ý trong ngày
- G3: Báo cáo NFP của Mỹ
- Châu Á: Số liệu xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam
Bối cảnh chung
Báo cáo NFP của Mỹ hôm nay có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp xác định quy mô của đợt cắt giảm lãi suất trong cuộc họp FOMC tháng 9 và dự báo lộ trình lãi suất của Fed. Báo cáo này được công bố sau khi hàng loạt chỉ số quan trọng được phát hành trong tuần qua cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ nói chung, bất chấp việc số lượng người bị sa thải vẫn ở mức thấp và trong tầm kiểm soát.
Sách Beige của Fed đã cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại về tình hình kinh tế, với 9 trong số 12 khu vực báo cáo hoạt động kinh tế trì trệ hoặc suy giảm. Các nhà tuyển dụng trên toàn quốc được cho là đang trở nên thận trọng hơn và ít có xu hướng mở rộng quy mô lao động do lo ngại về nhu cầu và triển vọng kinh tế bất ổn.
Báo cáo việc làm ADP hôm qua cũng gây bất ngờ khi giảm xuống còn 99,000 việc làm mới trong tháng 8, so với con số 111,000 (đã được điều chỉnh) của tháng trước. Dữ liệu việc làm JOLTS trong tháng 7 cũng cho thấy sự sụt giảm.
Dữ liệu việc làm JOLTS đáng chú ý vì những chi tiết bên trong cho thấy khả năng cao là Mỹ sẽ tránh được một cú “hạ cánh cứng” theo khuôn khổ đường cong Beveridge mà Chủ tịch Fed Christopher Waller thường dùng. Cụ thể, với tỷ lệ việc làm đang trống giảm xuống 4.6%; tỷ lệ nghỉ việc duy trì ở mức thấp khoảng 2.0% và tỷ lệ sa thải ở mức khoảng 1.0%, những con số này có thể phản ánh tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4.5%. Theo quan điểm của ông Waller, tỷ lệ việc làm đang trống ở mức 4.3% được xem là ngưỡng báo động khi tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng nhanh. Ông Waller sẽ có bài phát biểu sau khi báo cáo NFP được công bố. Thị trường sẽ theo dõi sát sao để xem liệu ông có thay đổi quan điểm và phát đi tín hiệu rõ ràng hơn về việc cắt giảm lãi suất hay không.
Tỷ lệ việc làm đang trống/số người thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục giảm
Giải thích thêm về đường cong Beveridge: Đây là khái niệm được đặt tên theo nhà kinh tế người Anh William Beveridge, dùng để theo dõi mối quan hệ giữa tỷ lệ việc làm đang trống và tỷ lệ thất nghiệp. Nghiên cứu của hai chuyên gia Đại học Harvard Alex Domash và Larry Summers (cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ) phát hiện ra rằng chưa bao giờ tỷ lệ việc làm đang trống sụt giảm mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể trong vòng hai năm. Theo nghiên cứu trên, tỷ lệ việc làm đang trống giảm 20% sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp trung bình tăng 3%. Kết quả này tương quan với những gì thấy được từ đường cong Beveridge. Sau cùng, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh là một trong những dấu hiệu của suy thoái, vì thế thị trường kỳ vọng ông Waller (một trong những quan chức theo quan điểm “diều hâu”) sẽ thay đổi quan điểm, rằng chính sách tiền tệ đang thắt chặt quá mức và cần phải hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Diễn biến thị trường ngoại hối châu Á
Các đồng tiền châu Á đồng loạt tăng giá so với USD nhờ dữ liệu lao động Mỹ yếu đi. Trong đó, Baht Thái (THB) tăng 1.7%; Rupiah Indonesia (IDR) tăng 0.83%; Peso Philippines (PHP) tăng 0.7% và Won Hàn Quốc (KRW) tăng 0.7%. Dữ liệu lạm phát của Philippines công bố hôm qua thấp hơn dự kiến, ở mức 3.3% so với cùng kỳ, lạm phát lõi cũng giảm. Dữ liệu cho thấy, giá gạo đóng góp đến 0.6% trong mức giảm 1.0% của tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ, trong khi phần còn lại đến từ nhóm thực phẩm và một số dịch vụ khác.
Những diễn biến này cho thấy cán cân rủi ro đang nghiêng về khả năng Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) sẽ cắt giảm lãi suất sớm và với mức độ mạnh hơn so với dự báo. Chúng tôi dự kiến BSP sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng 12 và thêm 50 bps trong năm 2025. Sau khi dữ liệu CPI được công bố, BSP vẫn giữ quan điểm thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát, đồng thời nhấn mạnh những rủi ro giảm phát đối với triển vọng CPI trong năm 2024 và 2025.
Ở một diễn biến khác, Rupee Ấn Độ (INR) lại đi ngược xu hướng tăng giá chung của các đồng tiền châu Á. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) có thể đã can thiệp vào thị trường để ngăn USD/INR vượt qua mốc 84.0.
Chúng tôi cho rằng, INR khó có thể suy yếu mạnh do được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản như dòng vốn đầu tư vào trái phiếu. Tuy nhiên, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo phạm vi giao dịch của USD/INR xuống 83.50-84.0.
MUFG Research